Bị thanh trừng sau Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 Triệu_Tử_Dương

Triệu Tử Dương (được tháp tùng bởi Ôn Gia Bảo khi ấy là Chánh văn phòng Trung ương Đảng) nói chuyện với các sinh viên phản kháng trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 19 tháng 5 năm 1989. Ông xin lỗi các sinh viên, nói "Các sinh viên, chúng tôi đến quá trễ. Chúng tôi xin lỗi."

Cái chết của Hồ Diệu Bang ngày 15 tháng 4 năm 1989, cộng với khó khăn kinh tế gia tăng do lạm phát, là cơ sở nảy sinh sự phản kháng trên diện rộng năm 1989 của sinh viên, trí thức, và các thành phần dân cư đô thị bất mãn khác. Các cuộc biểu tình của sinh viên, trong hoàn cảnh không khí chính trị cởi mở, phản ứng trước nhiều vấn đề xã hội, mà họ cho rằng bắt nguồn từ nguyên nhân cải cách chậm chạp. Trớ trêu thay, một số lời chỉ trích ban đầu lại nhắm vào Triệu Tử Dương. Những người cứng rắn trong đảng dần tiến gần đến một phương pháp giải quyết mạnh, cho rằng sự thay đổi quá nhanh đã gây ra tình trạng hỗn loạn và sự thất vọng lan tràn trong giới sinh viên. Những người phản kháng kêu gọi chấm dứt tình trạng tham nhũng hầu như đã trở thành chính thức và bảo vệ các quyền được bảo đảm trong Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Những cuộc phản kháng cũng lan tới các thành phố khác, kể cả Thượng HảiQuảng Châu.

Những sự kiện bi kịch của cuộc phản kháng Thiên An Môn năm 1989 đã chấm dứt hoạt động chính trị của Triệu Tử Dương cũng như khiến bất kỳ một phong trào dân chủ nào khác không còn cơ hội diễn ra. Khi ông đang có một chuyến thăm chính thức tới Bình Nhưỡng, phe cứng rắn trong Đảng đã lợi dụng cơ hội tuyên bố những cuộc phản kháng đang diễn ra là "phản cách mạng." Ngay khi trở về từ Bình Nhưỡng, Triệu Tử Dương đã nhiều lần cố gắng lái sự việc theo hướng mà ông gọi là "một con đường dựa trên dân chủ và quy định của pháp luật". Ông mở các kênh đối thoại trực tiếp giữa các sinh viên và chính phủ ở nhiều cấp. Ông cũng ra lệnh cho truyền thông đưa tin về các cuộc phản kháng ở mức tự do chưa từng thấy. Một số sáng kiến lập pháp với mục tiêu cải cách báo chí, truyền thông và giáo dục cũng đang được thực thi. Tuy nhiên, các sáng kiến của Triệu Tử Dương, cùng với thái độ hoà giải với sinh viên bị những thành viên cao tuổi và có thái độ cứng rắn trong đảng coi là những bước đẩy nhanh quá trình phá vỡ sự quản lý của Đảng, vì thế là một thảm hoạ thực sự. Buổi tối ngày 16 tháng 5 đánh dấu sự chấm dứt vĩnh viễn sự nghiệp chính trị của ông. Ngay từ đầu cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev khi ấy đang ở thăm Trung Quốc, Triệu Tử Dương đã đưa ra một tuyên bố gây ngạc nhiên rằng Đặng Tiểu Bình, dù khi ấy đã chính thức không còn là một thành viên của Uỷ ban Trung ương Đảng, vẫn có tiếng nói cuối cùng trong việc đưa ra quyết định. Hành động của Triệu Tử Dương được coi là một dấu hiệu rõ ràng về sự từ giã khỏi giới lãnh đạo Đảng, đặc biệt với nhà lãnh đạo tối cao già cả. Chính lúc này Triệu Tử Dương đã hoàn toàn mất niềm tin của Đặng Tiểu Bình, người bảo trợ và cố vấn chính trị từ rất lâu của ông. Tối ngày 18 tháng 5, Triệu Tử Dương được triệu tới nhà của Đặng và một cuộc nhóm họp vội vàng của Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã kêu gọi áp đặt thiết quân luật với một phiếu chống duy nhất của Triệu Tử Dương.

Ngay trước 5 giờ sáng ngày 19 tháng 5, Triệu Tử Dương xuất hiện trên Quảng trường Thiên An Môn và đi trong đám đông những người phản kháng. Với một chiếc loa, ông nói bài phát biểu nổi tiếng sau với các sinh viên tại Quảng trường. Bài phát biểu này lần đầu được phát sóng trên toàn quốc qua Đài truyền hình Trung ương.

Các sinh viên, chúng tôi đến quá trễ. Chúng tôi xin lỗi. Các bạn nói về chúng tôi, chỉ trích chúng tôi, đó đều là việc cần thiết. Lý do tôi đến đây không phải để yêu cầu các bạn tha thứ cho chúng tôi. Tất cả những điều tôi muốn nói là các sinh viên đang trở nên yếu ớt, đây đã là ngày thứ 7 của cuộc tuyệt thực, các bạn không thể tiếp tục như vậy. Khi thời gian trôi qua, nó sẽ ảnh hưởng tới thân thể các bạn một cách không thể phục hồi, nó có thể rất nguy hiểm tới tính mạng các bạn. Hiện nay điều quan trọng nhất là chấm dứt cuộc tuyệt thực này. Tôi biết, cuộc tuyệt thực của các bạn diễn ra với hy vọng Đảng và Chính phủ sẽ đưa ra cho các bạn một câu trả lời thích đáng. Tôi cảm thấy rằng sự trao đổi giữa chúng ta là mở. Một số vấn đề chỉ có thể được giải quyết sau một số quy trình. Ví dụ, các bạn đã đề cập tới bản chất vụ việc, vấn đề trách nhiệm, tôi cảm thấy rằng các vấn đề đó cuối cùng sẽ được giải quyết, chúng ta có thể đạt tới một thoả thuận hai bên. Tuy nhiên, các bạn cũng phải biết rằng tình hình rất phức tạp, đó sẽ là một quá trình dài. Các bạn không thể tiếp tục cuộc tuyệt thực tới ngày thứ 7, và vẫn đòi hỏi một câu trả lời thích đáng trước khi chấm dứt nó.

Các bạn vẫn còn trẻ, còn nhiều thời gian phía trước, các bạn phải sống khoẻ mạnh, và chứng kiến ngày khi Trung Quốc hoàn thành cuộc bốn hiện đại hóa. Các bạn không như chúng tôi, chúng tôi đã già, nó không còn quá quan trọng với chúng tôi nữa. Không dễ dàng để đất nước này và cha mẹ các bạn cung cấp phương tiện cho các bạn học tập ở các trường đại học. Hiện tại tất cả các bạn đều đang ở lứa tuổi 20, và muốn hy sinh cuộc sống một cách quá dễ dàng, các sinh viên, chẳng lẽ các bạn không biết suy nghĩ một cách lôgíc? Hiện tại tình thế rất nghiêm trọng, các bạn đều biết, Đảng và đất nước rất lo ngại, cả xã hội đang lo lắng. Bên cạnh đó, Bắc Kinh là thủ đô, tình hình đang xấu đi và xấu đi ở mọi nơi, điều này không thể tiếp diễn, nhưng nếu nó tiếp diễn, mất kiểm soát, nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Tôi kết luận, tôi chỉ có một mong muốn. Nếu các bạn dừng cuộc tuyệt thực, Chính phủ sẽ không đóng cánh cửa đối thoại, không bao giờ! Những vấn đề các bạn đưa ra, chúng ta có thể tiếp tục thảo luận. Dù có thể hơi chậm, nhưng chúng ta đang đạt tới một số thoả thuận về một số vấn đề. Hôm nay tôi chỉ muốn gặp các sinh viên, và bày tỏ các tình cảm của chúng tôi. Hy vọng các sinh viên sẽ trầm tư suy nghĩ về vấn đề này. Điều này không thể được xem xét thấu đáo trong những hoàn cảnh phi lôgíc. Tất cả các bạn đều có sức mạnh đó, sau tất cả các bạn là những người trẻ tuổi. Trước kia chúng tôi cũng từng có tuổi trẻ, chúng tôi đã phản kháng, nằm chặn các tuyến đường sắt, khi ấy chúng tôi không bao giờ nghĩ về điều sẽ xảy ra trong tương lai. Cuối cùng, một lần nữa tôi muốn cầu xin các bạn sinh viên, hãy trầm tư suy nghĩ về tương lai. Có nhiều điều có thể được giải quyết. Tôi hy vọng các bạn sẽ chấm dứt cuộc tuyệt thực này sớm, cảm ơn.[cần dẫn nguồn]

"Chúng tôi đã già, nó không còn quan trọng với chúng tôi nữa." đã trở thành một câu trích dẫn nổi tiếng sau đó. Và đó cũng là lần xuất hiện cuối cùng của ông trước công chúng.

Quản thúc tại gia đến khi chết

Những người phản kháng không giải tán. Một ngày sau chuyến thăm ngày 19 tháng 5 của Triệu Tử Dương tới Quảng trường Thiên An Môn, Thủ tướng Lý Bằng công khai tuyên bố thiết quân luật. Trong cuộc tranh giành quyền lực sau đó, Triệu Tử Dương bị tước mọi chức vụ. Thậm chí tới ngày nay, động cơ hành động của ông vẫn là một chủ đề gây tranh cãi với nhiều người. Một số người nói ông đã tới quảng trường với hy vọng một hành động hòa giải sẽ là công cụ giúp ông chống lại những người phe cứng rắn như Thủ tướng Lý Bằng. Những người khác tin rằng ông ủng hộ những người phản kháng, nhưng không muốn thấy họ bị đàn áp khi quân đội được điều đến. Sau vụ việc, Triệu Tử Dương bị quản thúc tại gia và chức vụ Tổng bí thư Đảng được thay thế bởi Giang Trạch Dân, người cũng đã đàn áp các vụ phản kháng tương tự tại Thượng Hải nhưng với ít đổ máu hơn.

Triệu Tử Dương tiếp tục bị giám sát chặt chẽ và chỉ được cho phép rời nhà hay tiếp khách với sự cho phép từ các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng. Thỉnh thoảng có những thông báo về việc ông tham gia lễ tang của một trong các đồng chí của ông đã qua đời hoặc thăm những vùng khác của Trung Quốc hay chơi golf tại các sân golf ở Bắc Kinh, nhưng chính phủ thực sự đã thành công trong việc giữ kín ông khỏi báo giới và những cuốn sách lịch sử. Trong giai đoạn đó, chỉ một số bức ảnh chụp một Triệu Tử Dương tóc hoa râm tới được tay báo giới. Ít nhất hai lần Triệu Tử Dương đã viết thư, gửi tới chính phủ Trung Quốc, trong đó ông đưa ra đề xuất đánh giá lại cuộc Thảm sát Thiên An Môn. Một trong những bức thư đó đã xuất hiện trước Đại hội thứ 15 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một bức khác xuất hiện trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1998 của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Không bức nào được xuất bản tại Trung Hoa lục địa.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Triệu_Tử_Dương http://www.cnn.com/2005/WORLD/asiapcf/01/16/china.... http://economist.com/agenda/displayStory.cfm?story... http://nytimes.com/2005/01/18/international/asia/1... http://www.nytimes.com/2005/01/17/international/as... http://www.time.com/time/asia/news/daily/0,9754,10... http://washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2... http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/articles/A143... http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/articles/A165... http://news.xinhuanet.com/english/2005-01/17/conte... http://news.xinhuanet.com/newscenter/2005-01/17/co...